Vương Trác là con cháu đích tôn của nhà họ Vương. Từ nhỏ đã bộc lộ tài năng và được sự tán thưởng xung quanh, sống trong nhung lụa và chiều chuộng của bố mẹ, gã trở nên kiêu ngạo.
Nhưng gã quả là có thực lực để kiêu ngạo!
Nhà họ Vương vốn chỉ là gia tộc phàm nhân, không hề có căn duyên với bất kỳ tiên nhân nào. Chỉ vì một vị tiên nhân nhìn trúng tư chất Vương Trác mà cho nhà họ Vương ba danh ngạch trong cuộc tuyển chọn đệ tử. Đối với tiên nhân mà nói, việc này nhỏ nhoi không bằng con muỗi cái kiến, nhưng đối với phàm nhân, đây là điều vinh dự không gì sánh bằng, là tạo hóa to lớn nhất trong đời người.
Còn nhớ ngày ấy, trong lúc Vương Lâm vẫn đang chật vật để được tông môn thu nhận thì Vương Trác đã vượt qua cuộc khảo thí một cách dễ dàng và trở thành đệ tử nội môn. Trong lúc Vương Lâm đang tìm cách từ đệ tử ngoại môn cho đến khi có thể chính thức tu luyện với tư cách đệ tử nội môn, Vương Trác đã tiến xa hơn Vương Lâm rất nhiều. Gã khinh thường Vương Lâm, ờ, quả thật gã có vốn liếng để khinh thường. Con đường đời của Vương Trác quá thuận lợi, từ địa vị đại thiếu gia kiêu hãnh nhà họ Vương cho đến đệ tử đích truyền của tiên nhân. So với Vương Trác, Vương Lâm chẳng bằng con sâu cái kiến. Chỉ có điều, con người rồi cũng sẽ trưởng thành và thay đổi. Khi đã trải qua thăng trầm đắng cay cuộc đời, con cháu họ Vương không còn là những phàm nhân ngây thơ năm ấy. Một Vương Lâm thật thà trong sáng thuở thiếu thời nay trở nên âm trầm thận trọng, Vương Trác cũng không còn là cậu thiếu niên kiêu hãnh ngày nào!
Thế giới tu chân quả thật rất tàn khốc, nó không hề tươi đẹp như phàm nhân vẫn tưởng tượng. Chuyện diệt tộc, diệt tông môn, cá lớn nuốt cá bé… là điều vô cùng bình thường. Khi một kẻ họ Đằng truy sát Vương Lâm, y buộc phải kết chết kẻ này. Nhân quả tưởng chừng đã kết thúc? Không! Vì cái chết của kẻ họ Đằng kia, ông tổ Đằng gia tìm cách truy sát Vương Lâm. Vì tìm không ra Vương Lâm, hắn mới tìm tới nhà họ Lâm để trút cơn giận dữ. Ngay từ đầu, “nhân” là do kẻ tiểu bối họ Đằng kia gây ra, vì vậy y phải gánh lấy cái “quả” là Vương Lâm giết chết. Chỉ vì tự bảo vệ mình mà vô tình Vương Lâm gây ra cái “nhân” đối với ông tổ họ Đằng – Đằng Hóa Nguyên. Không tìm được Vương Lâm để trả thù, Đằng Hóa Nguyên chỉ đành trút hận trên gia tộc họ Vương. Khi hắn đồ sát cả Vương gia, gà chó không tha, hắn tưởng đó chính là “quả” của Vương gia vì đã sinh ra Vương Lâm, lại không ngờ gây ra cái “nhân” khiến Đằng gia mang họa diệt tộc! Đọc Nhĩ Căn, ta cảm giác một điều rất rõ ràng: nhân quả luân hồi chỉ là một vòng tròn mà thôi!
Bất luận là “nhân” hay “quả”, tai họa của Vương gia hết thảy đều đến từ Vương Lâm. Thế nhưng, Vương Trác thì sao?
Vương Trác không hề làm sai điều gì, chỉ vì cái “nhân” là Vương Lâm mà gã phải trơ mắt chứng kiến cha mẹ chết thảm, toàn gia bị diệt không sinh linh sống sót. Nếu không phải gã đã gia nhập tông môn, được danh tiếng của tông môn che chở thì chính gã cũng phải chôn vùi trong đống tro tàn ấy. Từ đó Vương Trác đã thay đổi hoàn toàn. Gã rất hận!
Người đầu tiên gã hận phải là Vương Lâm, chắc chắn là vậy. Nếu không phải Vương Lâm gây tai họa, gia tộc phàm nhân như nhà họ Vương ắt không thể gặp họa diệt tộc thảm khốc! Thế rồi , năm tháng đau thương dần trôi, nhất là sau khi chứng kiến trận tử chiến giữa Vương Lâm và Đằng Hóa Nguyên, dù đã cố gắng hết sức nhưng vì quá chênh lệch tu vi nên Vương Lâm buộc phải tự bạo mà chết, lúc này tất cả nỗi oán hận của Vương Trác đều đặt lên cường giả họ Đằng nọ. Vương Lâm chết rồi (thật ra chưa chết nhưng vô cùng chật vật), gánh nặng báo thù ắt rơi vào đôi vai gã. Nhưng tu vi thua kém quá xa, gã chỉ đành nhịn nhục. Gã chỉ đành làm kẻ thức thời, bề mặt ngoan ngoãn nghe lời, thâm tâm tự nhủ cố gắng tu luyện để giết chết tên cường giả họ Đằng kia, trả thù cho nhà họ Vương.
Thời gian dần trôi, thấm thoát đã trải qua bốn trăm năm, trong khi Vương Lâm lăn lộn bên ngoài và đạt đến tu vi Nguyên Anh cực cảnh, chuẩn bị quay về huyết tẩy Đằng gia, thì Vương Trác đã buộc phải lấy người con gái họ Đằng làm vợ. Gã thâm thù huyết hải với họ Đằng, chỉ vì nhẫn nhục cầu toàn mà buộc phải chấp nhận người vợ này. Vì vậy gã ghét cay ghét đắng nàng.
Nhưng con người đâu phải cây cỏ vô tình! Trải qua bốn trăm năm chung sống, dù lý trí vẫn tỉnh táo nhắn nhủ: Đằng gia là kẻ thù, tất cả họ Đằng đều đáng chết! Nhưng sâu thẳm trong trái tim đã xuất hiện tia nhu tình dành cho thê tử họ Đằng. Cha của thê tử – Đằng Tam – trước khi lâm chung đã nói: cha mẹ sinh ra ta nhưng không thể đồng hành đến tận cùng, chỉ có thê tử mới người cùng ta đi đến cuối đời. Người thê tử này yêu gã bằng trái tim và tấm lòng chân tình, nhưng nàng mang dòng máu họ Đằng, là kẻ tử thù với Vương gia. Lúc này, trong tôi văng vẳng câu thơ trong Truyện Kiều:
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Khi Vương Lâm xuất hiện và đồ sát người họ Đằng một cách vô tình, Vương Trác thật sự rất hả hê lắm. Điều mà ta không thể làm được, cuối cùng đã có người làm thay ta! Gã lờ mờ suy đoán thân phận của tên sát tinh này nhưng không nắm chắc. Gã chỉ mong thoát khỏi nhà họ Đằng, thoát khỏi người vợ họ Đằng mà gã bị ép phải cưới chứ chẳng hề yêu!
Cho đến khoảnh khắc khi gã lần đầu gặp lại Vương Lâm trong suốt bốn trăm năm, thần sắc của Vương Trác không phải vui mừng vì gặp lại cố nhân, cũng không hề hoan hỉ khi biết mối thù của Vương gia sẽ được tẩy rửa bằng máu tanh. Phản ứng của Vương Trác chỉ đơn giản là… đứng chắn trước thê tử họ Đằng để bảo vệ nàng! Tình nghĩa suốt bốn trăm năm, dù có hận thù gì đã bị tình nghĩa yêu thương che lấp đi. Gã không muốn yêu nàng, gã muốn ghét nàng, nhưng bất tri bất giác gã đã yêu nàng từ lúc nào rồi!
Nếu không phải vì Vương Trác, Vương Lâm chắc chắn không tha mạng cho nữ tử họ Đằng ấy. Nhưng vì y nợ Vương Trác quá nhiều, Vương Lâm chỉ đành thở dài thành toàn cặp đôi này. Vương Lâm không sai khi tha cho nữ tử họ Đằng ấy, y thậm chí không vướng bận chuyện ấy. Vương Trác cũng không sai khi muốn bảo vệ nữ tử họ Đằng, nhưng gã có thể không hổ thẹn giống Vương Lâm không? Không! Gã là con cháu họ Vương, gã không thể bỏ qua mối thù gia tộc để sống hạnh phúc bên nữ tử họ Đằng. Nhưng gã đã trao trái tim cho nàng, gã biết làm sao?
Trông thấy sự cường đại của Vương Lâm, gã biết chắc mối thâm thù huyết hải với giữa họ Vương với họ Đằng chắc chắn phải trả bằng biển máu, gã yên tâm giao nhiệm vụ này này cho Vương Lâm. Giờ đây, gã chỉ muốn thanh thản mà thôi!
Mắt thấy nữ tử họ Đằng hiện ra tia căm thù đối với Vương Lâm, Vương Trác không ngần ngại lấy đi sự sống của nàng, để rồi cũng xóa đi sự sống của bản thân, kết thúc một cuộc đời trọn vẹn giữa đạo hiếu con cháu và tình nghĩa vợ chồng.
Vương Lâm đem lũ hồn của Vương Trác mà đầu thai vào nhà họ Vương, một lần nữa trở thành người kế thừa di chỉ tu tiên của Vương gia. Chuyện sau này dù thế nào cũng chỉ là kiếp sau của Vương Trác, ở đó gã không còn vướng bận tình cảm nam nữ hay gánh nặng gia tộc gì nữa, ở đó gã chỉ cần một lòng tu luyện mà thôi. Ấy chính là một phiên bản Vương Trác hoàn hảo trước khi xảy ra biến cố. Ở đó y trở thành kẻ bảo hộ cho sự phát triển thịnh vượng của Vương gia cho đến khi thọ nguyện đã tận mới thôi.
“Vương Trác chính xác đã làm đúng như lời hứa với Vương Lâm năm đó, giúp cho Vương Lâm yên tâm tu đạo. Hắn đã đến bảo vệ cho hậu nhân của Vương gia cho đến khi tuổi thọ chấm dứt.” (Chap 846: Giải Quyết Nhân Quả)
Dẫu thế nào, tôi vẫn cho rằng cuộc đời của Vương Trác thật sự rất viên mãn! Kiếp trước, với quá nhiều biến cố cuộc đời, gã chỉ có thể tự vẫn để không phụ tình phu thê mà vẫn làm tròn đạo hiếu. Kiếp sau, gã vẫn tiếp tục di nguyện chưa hoàn thành của kiếp trước là đời đời bảo hộ Vương gia. Với sự trợ giúp của Vương Lâm, Vương Trác đã hoàn toàn làm được điều này!
Vương Lâm mãi được công nhận là lão tổ hùng mạnh nhất và được tôn kính nhất, là lão tổ mang lại vinh diệu muôn cho đời Vương gia. Và trong số con cháu đời sau, ai nấy đều phải ghi nhớ gương mặt lão tổ Vương Lâm nhưng có mấy người còn nhớ đến Vương Trác với tư cách là người đầu tiên khai mở con đường tu tiên của Vương gia? Là ai lần đầu khiến Vương gia có duyên với con đường tu tiên?
***
Vương Lâm không dự định vô tình nhưng trải qua bao sinh tử thương hải tang điền, gã hoàn toàn lãnh đạm vô tình. Nếu Vương Lâm vẫn hữu tình thì e rằng đã chết từ lúc nào. Vương Trác vốn muốn vô tình vì mối huyết hải thâm thù với Đằng gia, nhưng cho đến sau cùng chính gã vẫn là hữu tình!
Vương Trác, lẽ ra đây là nhân vật ít có khả năng đem lại cảm xúc với tôi nhất vì tôi hoàn toàn không ưa gã ngay từ đầu, lại là nhân vật gợi cảm hứng nhất để tôi viết bài đầu tiên về Tiên Nghịch!
----------------------------
HEEN
Viết xuống "Tản mạn vài dòng về nhân vật Vương Trác trong tiểu thuyết Tiên Nghịch" không dễ, mọi người tán dương chính là động lực để tiểu biên tiếp tục kiên trì viết tiếp! Hẹn gặp lại a...
Nguồn: TIÊN HIỀN THƯ VIỆN
Thư hữu cần đăng nhập để bình luận!
Bằng hữu tới nói 2 câu đi...
Từ Tru Tiên đến Thiên Ảnh, Tiêu Đỉnh rốt cuộc thay đổi bao nhiêu?
Tâm sự của tác giả Cổ Chân Nhân sau khi Cổ Chân Nhân bị phong cấm
Những phong tục tập quán đáng sợ của Trung Hoa (phần 6) --- Miêu Cương cổ thuật.
Bảng xếp hạng qidian, zongheng tháng 12 năm 2020
Bảng xếp hạng chiến lực Đấu La Đại Lục
REVIEW TOP 10 TRUYỆN HOT NHẤT CỦA TÁC GIẢ DIỆP LẠC VÔ TÂM
Cửu Thải Thôn Thiên Mãng Mỹ Đỗ Toa
Văn học mạng Đào Cốc Lục Tiên gồm những ai?
Lý Thất Dạ vs Hoang Thiên Đế... Ai mới là văn học mạng đệ nhất nhân?
Review tiểu thuyết Địa Sát Thập Nhị Biến: Một người một kiếm, trảm yêu trừ ma!
Tiên hiền thư viện tổng hợp review truyện, sưu tầm kinh điển trích lời, viết xuống tiêu điểm nhân vật, cầm tay chỉ đạo sáng tác, tóm tắt truyện chữ, đóng góp truyện ngôn tình, review truyện ngôn tình.